Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

VỤ ÁN OAN HỒ DUY HẢI ĐÃ THẤU ĐẾN UB THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 Mẹ và em gái Hồ Duy Hải làm đơn xin chuyển trại giam cho bị án Hồ Duy Hải

VỤ ÁN OAN HỒ DUY HẢI ĐÃ THẤU ĐẾN UB THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với gia đình Hồ Duy Hải

Báo Lao Động- 2:5 PM, 25/12/2014
Hữu Danh
Ngày 24.12, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ bị án Hồ Duy Hải, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với gia đình bà để trao đổi về việc bà kêu oan cho con.

Người trực tiếp trao đổi với bà Loan là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga. Cụ thể, bà Loan và bà Nguyễn Thị Rưỡi (chị ruột bà Loan) đã đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phía Nam tại TPHCM để làm việc vào ngày 19.12 vừa qua.


Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã hỏi rất kỹ về Hồ Duy Hải từ khi còn nhỏ, việc học hành, sở thích, bị bắt lúc nào, vì sao bị bắt và bị kết án tử hình, đã mời bao nhiêu luật sư hỗ trợ pháp lý, kể lại những lần đi thăm nuôi... Đoàn cũng hỏi rất kỹ lý do gia đình kêu oan cho Hồ Duy Hải và hành trình 7 năm đi kêu oan như thế nào...

Bà Loan đã nộp cho đoàn giám sát hồ sơ kêu oan kèm theo đơn xin hoãn thi hành án tử hình có bút phê đồng ý của phó chánh án TAND tỉnh Long An Lê Quang Hùng ngày 4.12 và trả lời tất cả những câu hỏi của đoàn (có biên bản làm việc). Gia đình bị án Hồ Duy Hải có đề nghị cho luật sư được tham gia buổi làm việc, nhưng đoàn giám sát cho biết không cần thiết.

Theo bà Loan, sở dĩ gia đình bà đi kêu oan từ Nam ra Bắc suốt 7 năm qua là xuất phát từ dư luận tại địa phương sau khi con bà bị khởi tố tội giết hai nữ nhân viên bưu cục Cầu Voi. Lúc đó dư luận cho rằng Hải chỉ là người “thế thân” cho một người khác.

Trước khi TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm thì Hải đã kêu oan với luật sư, rồi ra tòa cuối năm 2008 cũng kêu oan. Sau này, khi gia đình xem lại hồ sơ vụ án thì thấy nhiều chi tiết mâu thuẫn, không rõ ràng. Lý do quan trọng khiến bà Loan liên tục gửi đơn và gõ cửa nhiều cơ quan ở trung ương kêu oan chính là niềm tin mách bảo con bà không phạm tội giết người, cướp tài sản.

Bà Loan cũng trình bày từ khi Hồ Duy Hải bị tạm giữ rồi khởi tố, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì gia đình đã nhờ tới 6 luật sư ở Long An và TP.HCM hỗ trợ pháp lý. Nhiều luật sư không ký hợp đồng với gia đình nhưng cũng nghiên cứu hồ sơ, phân tích những vấn đề cần phải làm rõ thêm.

Sau buổi làm việc với gia đình Hải, đoàn giám sát cũng đã đến trại giam để làm việc với Hải. Tuy nhiên, thông tin buổi làm việc không được tiết lộ.

Trong một diễn biến khác, gia đình bị án Hồ Duy Hải cũng làm đơn xin chuyển trại giam cho Hải. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đạt (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc đồng ý chuyển trại giam hay không là do Cục quản lý trại giam (V26) Bộ Công an giải quyết. “Trường hợp Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình, V26 sẽ giao cho địa phương xét xử sơ thẩm (Công an Long An) giam giữ để tiện việc thi hành án vì Long An là nơi quyết định thi hành án. Nếu bản án được giám đốc thẩm, việc chuyển trại giam sẽ dễ dàng hơn” – ông Đạt nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét