Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

'Ta' nhất định… thua!


'Ta' nhất định… thua!

Đăng bởi Ha Tran on Thursday, April 20, 2017 | 20.4.17



Tuy sự kiện Đồng Tâm vẫn chưa ngã ngũ nhưng xét về mặt chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang đi từ thất bại này đến thất bại khác...



Hình ảnh vụ đối mặt giữa dân và công an tại Đồng Tâm.

Bởi bất tín nên bất tin


Thất bại đầu tiên là dù có một núi qui định và một chuỗi cơ quan đảm trách vai trò tiếp nhận - giải quyết các khiếu nại – tố cáo, trải đều từ địa phương đến trung ương nhưng dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vẫn rào làng, bắt giữ 38 người, vừa cảnh sát cơ động, vừa công an, viên chức địa phương làm con tin,… đòi phải giải quyết minh bạch các khiếu nại – tố cáo của họ. Điều đó cho thấy, tất cả những cơ quan vừa kể hoạt động không hiệu quả.

Sự kiện Đồng Tâm góp thêm một bằng chứng nữa cho thấy, những tuyên bố, cam kết tạo lập, vận hành một “chính quyền của dân, do dân, vì dân”, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là khẩu hiệu. Chẳng khẩu hiệu nào có thể duy trì “trật tự, trị an” để tập hợp các nguồn lực “xây dựng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là thất bại thứ hai.

Trong sự kiện Đồng Tâm, dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam – rất nhất quán khi nhận định, hệ thống công quyền Việt Nam “mị dân” và “khi dân”.

Không phải tự nhiên mà Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học, thành viên trong nhóm tư vấn cho hai đời Thủ tướng Việt Nam (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải), cảnh báo công chúng qua VOA: “Sẽ còn nhiều ‘lươn lẹo’, ‘mưu mẹo’ trong vụ Đồng Tâm”. Cũng không phải tự nhiên mà có hơn 1.000 người chọn “like” và 360 người chia sẻ cảnh báo đó của Giáo sư Tương Lai từ trang facebook của VOA Việt ngữ.

Cảnh báo của Giáo sư Tương Lai qua VOA được gửi ra ngày 17 tháng 4 và ngày 18 tháng 4, hệ thống công quyền Việt Nam minh định, cảnh báo ấy có… giá trị thực tế.

Sau khi dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15 cảnh sát cơ động, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội họp báo, thông báo, yêu cầu của dân chúng Đồng Tâm (xem lại việc biến “đất nông nghiệp” thành “đất quốc phòng” rồi tổ chức “cưỡng chế, thu hồi”) “không có cơ sở để xem xét.”

Một Phó Giám đốc của Công an thành phố Hà Nội nói thêm, xã Đồng Tâm có tới ba vụ án đã được khởi tố. Ngoài chuyện Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”, còn có Cục Điều tra Hình sự của Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” và vụ án “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”. Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, hình như chưa bao giờ các cơ quan điều tra của cả công an lẫn quân đội thi nhau khởi tố, chia nhau cùng điều tra về một nhóm “đối tượng” như vậy!

“Đối thoại” – một mơ ước viển vông?

Trong sự kiện Đồng Tâm, một số viên chức hữu trách nhiều lần nhắc đến “đối thoại”. Nhiều facebooker cũng bày tỏ hy vọng sẽ có “đối thoại” giữa đại diện chính quyền và dân chúng Đồng Tâm. Sau khi vào Đồng Tâm trò chuyện với những người dân đang tử thủ, một phóng viên của báo điện tử VnExpress tên là Bảo Hà cũng nhấn mạnh, dân chúng Đồng Tâm đang chờ đợi “một cuộc đối thoại thực sự công khai”. Cô khẳng định, dân chúng Đồng Tâm muốn nói và mong được “lắng nghe”…

Hệ thống công quyền có muốn “đối thoại”, có muốn “lắng nghe” không? Đến nay, câu trả lời vẫn là không!

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội mới khẳng định, cưỡng chế, thu hồi đất là đúng. Đất mà hệ thống công quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi không phải “đất nông nghiệp” mà là “đất quốc phòng”, dứt khoát phải thu hồi để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện một… “dự án quốc phòng”.

Dù sao cũng phải… thông cảm với hệ thống công quyền, “một cuộc đối thoại thực sự công khai” sẽ rất khó để giải đáp thỏa đáng những thắc mắc kiểu như cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi – nhân vật được xem là người đại diện cho dân chúng xã Đồng Tâm, từng nêu ra khi “đối thoại” với các viên chức hữu trách, các sĩ quan quân đội hồi cuối năm ngoái: Tại sao lại thu hồi, không bồi thường, rồi bỏ hoang hàng trăm héc ta “đất quốc phòng”, mặc cho một đơn vị quân đội “phát canh, thu tô” trong hàng chục năm? Tại sao đã từng bàn giao một phần trong số 350 héc ta “đất quốc phòng” cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho nhiều viên chức nhân danh “hoàn trả” để kiếm chác, nay lại đột nhiên “cưỡng chế, thu hồi” tiếp?

Chẳng lẽ lại trả lời: Không khoác danh nghĩa “đất quốc phòng”, làm sao có thể “cưỡng chế, thu hồi” mà không cần thương lượng về mức bồi thường sao cho thỏa đáng? Đã không thể trả lời thì tổ chức “một cuộc đối thoại thực sự công khai” để làm gì?

Tuy hệ thống công quyền cương quyết không tiết lộ “dự án quốc phòng” mà Viettel sẽ thực hiện trên “đất quốc phòng” ở xã Đồng Tâm là gì nhưng dường như đã hiểu rất sâu về các “dự án quốc phòng” trên “đất quốc phòng”, hàng trăm người sử dụng Internet tại Việt Nam đã thử search trên Google và họ tìm thấy một tin cũ trên báo điện tử VnExpress hồi tháng 11 năm 2011: Bộ Quốc phòng đề nghị chuyển 176 héc ta trong số 300 héc ta đã thu hồi của dân xã Đồng Tâm hồi thập niên 1960 làm sân golf để “luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự.”

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, vì Bộ Quốc phòng Việt Nam rất kiên định với mục tiêu “luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự”, khăng khăng thủ giữ 157 héc ta đất ở phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất làm sân golf 18 lỗ, do không còn chỗ để mở rộng, hệ thống công quyền Việt Nam đã quyết định đi vay 15,8 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường quốc tế ở Long Thành – Đồng Nai.

Liệu lợi ích của 6.000 dân Mỹ Đức có lớn bằng lợi ích của 100 triệu dân Việt? Chắc chắn là không. Tù khi “trung với Đảng” trở thành tiêu chí hàng đầu của quân đội nhân dân Việt Nam, các “dự án quốc phòng” luôn được ủng hộ để thực thi bằng mọi giá.

Ở cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức về sự kiện Đồng Tâm, Thiếu tướng Bạch Thành Định, tuyên bố “sẽ nghiêm trị những kẻ chủ mưu, những người cầm đầu, xuyên tạc sự thật để kích động gây rối nhưng sẽ khoan hồng với những người có ý thức khắc phục hậu quả”. Một facebooker tên là Nguyễn Lân Thắng nhắn ông Định nên nói năng cẩn trọng, tuy đã phóng thích 15 song dân chúng Đồng Tâm vẫn còn cầm giữ 21 người, thành ra “phát biểu linh tinh, doạ dẫm, dân nổi điên thì 21 gia đình sẽ nhè đầu ông mà nã đấy”.

Có thể thắng bất cần nhân tâm?

Thất bại cuối cùng và cũng là thất bại lớn nhất, dường như hệ thống công quyền Việt Nam không nhận ra mình đã thất bại.

Đến nay, các viên chức hữu trách vẫn khăng khăng khẳng định, việc trả tự do cho bốn người dân Đồng Tâm, bị bắt ngày 15 tháng 4 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” không phải là “thỏa hiệp” để “trao đổi” 15 cảnh sát cơ động, cho dù 15 cảnh sát cơ động này chỉ có thể trình diện thượng cấp sau khi bốn người dân Đồng Tâm đã về với gia đình của họ. Tướng Định khẳng định, sở dĩ Công an Hà Nội “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) vì cả bốn “đã nhận thức được hành vi sai trái của mình”.

Dẫu tướng Định khẳng định như thế thì vẫn chẳng có gì là chắc.

Trong cuộc họp báo ngày 18 tháng 4, cả Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hà Nội lẫn Công an thành phố Hà Nội, cùng cáo buộc: “Đáng chú ý từ giữa tháng 2 năm 2017 đến nay, khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tổ chức triển khai việc thi công dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng đó với tính chất phức tạp ngày càng tăng.”

Hồi tháng 2 năm 2017, báo Nhân Dân viết khác. Trong bài “Luồng gió mới ở Đồng Tâm”, báo Nhân Dân bảo rằng: “Bộ máy chính quyền, đoàn thể ở xã Đồng Tâm hoạt động ổn định và từng bước được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ. Đây là nền tảng quan trọng để địa phương phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2017”. Tờ báo này còn dự đoán: “Xã Đồng Tâm sẽ phát triển vượt bậc. Trước mắt, xã quyết tâm hoàn thành nhanh chóng công tác dồn điền đổi thửa để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân!”

Giữa lúc các viên chức hữu trách thề sẽ “nghiêm trị” những người dính líu đến sự kiện Đồng Tâm thì một số facebooker nêu ra một nhận định mới, với hy vọng có thể giải thích tại sao cảnh sát cơ động – vốn được tuyển chọn, huấn luyện, trả lương để trấn áp, chống bạo động lại bị dân chúng cầm giữ nhiều đến khó ngờ như thế.

Facebooker Nguyễn Thông cho rằng, hình như đã qua cái thời “bảo đi là đi, bảo đánh là thắng nữa” nên cảnh sát cơ động “ngoan ngoãn để dân bắt”, tránh chuyện phải “đánh nhau với dân”. Facebooker vốn là nhà báo đã nghỉ hưu này tin rằng, đó là “mối lo khó nói” của giới cầm quyền, khi “người lính lăn tăn” về chuyện “trong tay cầm khẩu súng dài, ngắm đi ngắm lại bắn ai thế này”.

Không phải ai cũng đồng tình với nhận định đó. Một facebooker tên là Phạm Hưng cho rằng, những video clip ghi lại cảnh xung đột giữa công an với công dân xã Đồng Tâm cho thấy, cảnh sát không đầu hàng, không ngoan ngoãn thì khó mà lường được chuyện gì sẽ xảy ra vì dân chúng đang phẫn nộ do mất nhà, mất đất. Theo facebooker Phạm Hưng, “còn quá sớm để khen những cảnh sát, công an bị bắt đứng về phía nào”.

Trong cuộc tranh luận về nội dung vừa kể, facebooker Phạm Hưng là thiểu số. Facebooker Binh Thanh cũng tin rằng: Nếu mệnh lệnh chỉ phục vụ lợi ích của một số nhóm, không phục vụ cho lợi ích của nhân dân thì cảnh sát cơ động “ngoan ngoãn" trong vòng tay của nhân dân là chuyện tất nhiên…

Chưa rõ ai đúng ai sai nhưng chắc chắn những video clip ghi lại các cuộc phản kháng càng ngày càng nhiều, theo thời gian càng lúc càng dữ dội, không chỉ riêng ở Đồng Tâm, cũng như sự cuồng nộ càng lúc càng cao của đủ mọi giới, chắc chắn sẽ khiến các thành viên của lực lượng vũ trang và thân nhân của họ phải suy tư nhiều hơn về thân phận của mình.
Trân Văn


(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét