Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Vụ Mỹ Đức, tấm màn che và những bế tắc của “Chính phủ kiến tạo”


VNTB- Vụ Mỹ Đức, tấm màn che và những bế tắc của “Chính phủ kiến tạo”
Reply
news, opposite, tấm màn che và những bế tắc của “Chính phủ kiến tạo”, Thiên Điểu,VNTB, Vụ Mỹ Đức
23.4.17
Thiên Điểu


(VNTB) - Vụ Mỹ Đức chính thức mở màn cho viễn cảnh đen tối về những hậu quả chính trị và cả những bế tắc không dễ tìm ra lối thoát cho bộ máy chính quyền và cho cả xã hội Việt Nam, báo hiệu sự xuất hiện yếu tố áp lực bắt buộc phải lựa chọn mà cả Đảng CSVN và Chính phủ đương nhiệm phải tính đến dù không hề mong muốn.





Vụ Mỹ Đức, tấm màn che và những bế tắc
Sau cơn bão suy thoái kinh tế và cuộc xáo trộn vô tiền khoáng hậu về nhân sự và vai trò quyền lực, trên vai trò lãnh đạo, Đảng CSVN phát động cuộc chiến chống tham nhũng làm mũi nhọn tấn công vào bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ trước nhằm củng cố vị trí và tìm kiếm sự ủng hộ của người dân. Tân Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên nắm quyền sau một cuộc bầu cử ngược lại với mọi nguyên tắc bầu cử sơ đẳng nhất là “đại biểu mãn nhiệm bầu cho đại biểu tân nhiệm”.
Dù sao, bộ máy nhà nước và chính quyền Hà Nội cũng đã tạm ổn định vị trí quyền lực sau những sóng gió và xáo trộn. nhưng niềm tin của người dân và uy tín của cả Đảng và Chính phủ mới đều chưa có dấu hiệu nào được cải thiện. Các mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong nội bộ vẫn gia tăng khi cuộc chiến chống tham nhũng không mang lại kết quả nào rõ rệt. Xung đột quan điểm quyền lợi chính đáng giữa người dân và chính quyền vẫn diễn ra gay gắt. Vụ việc ngày 15/4 vừa qua, người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức-Hà Nội) nhất tề vây bắt 38 cán bộ và nhân viên lực lượng vũ trang để phản đối việc bắt giữ 4 người dân liên quan khiếu nại đất đai là quả bom phản kháng chấn động. Đánh thẳng vào uy tín và phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam một cách mạnh mẽ, rõ rệt hơn bao giờ hết.
Công bằng mà nói, nếu việc ổn định và phát triển xã hội cứ “thông dòng bén giọt” như những phát ngôn của quan chức đúng đầu mà cụ thể là ông Trọng – Tổng Bí thư và đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có thể nói trong nhiệm kỳ này cả phe Đảng và Chính phủ - đặc biệt là Chính phủ - đều có những thay đổi chiến thuật, chiến lược và cách tiếp cận vấn đề tốt hơn nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, vẫn như lối mòn cũ, mọi phát ngôn đến thực tế vẫn chỉ là khái niệm hoặc khẩu hiệu để khích lệ tinh thần chứ không thành hiện thực.
Tìm cách cứu vãn uy tín để giữ quyền lực, Đảng CSVN tiếp tục sai lầm trong khi không đẩy cuộc chiến chống tham nhũng đến mức tối thiểu để cho thấy tác dụng có hiệu quả thì lại chỉ đạo các lực lượng hành pháp gia tăng trấn áp và thể hiện các biện pháp cứng rắn khi xử lý mâu thuẫn lợi ích liên quan người dân. Vô hình chung không những không xây dụng được hình ảnh mà còn làm gia tăng các chỉ dấu dẫn đến từ bất đồng, bất mãn sang đối kháng mà vụ Mỹ Đức là ví dụ cụ thể nhất.
Thông qua phát triển kinh tế để cứu nguy cuộc đổ vỡ nguồn lực sinh tồn cho bộ máy nhà nước đồng thời mua chuộc lòng tin từ các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục bế tắc khi vướng vào vết xe cũ là các quyết sách đưa ra đều vướng các rào cản trong hệ thống hoặc khả năng áp dụng trong tình hình thực tế, cụ thể.
Đơn cử ví dụ về chính sách của “Chính phủ kiến tạo” dưới bàn tay chèo lái của Thủ tướng Phúc. Báo cáo Tổng kết Quý I/2017 cho biết “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,50%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở về đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm…”.
Dù chỉ là tóm tắt nội dung một bản báo cáo đã được “đẹp hoá“ theo thông lệ. Điều rất dễ kết luận là: Tổng thể phát triển kinh tế đầu năm 2017 đều giảm mạnh.
Nếu nói khai khoáng giảm tới 90% do ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng lệ thuộc vào xuất khẩu cho Trung Quốc. Xây dựng giảm vì bất động sản thực tế vẫn “chết” bất chấp các hô hào “giải cứu” bằng miệng hoặc trên giấy. Công nghiệp giảm do điều chỉnh chính sách thuế và sụt giảm thu hút đầu tư liên quan tác động các sự cố môi trường, bất ổn chính trị và sâu xa hơn là khả năng trả nợ công không tìm được lối thoát hữu hiệu.v.v. thì việc “tăng trưởng” trong lĩnh vực nông nghiệp góp mặt chỉ như một số liệu cố gắng làm đẹp để động viên tinh thần hơn là giá trị thực tế - (tăng 1,38% Quý I, nếu ổn định thì cả năm cũng chỉ dưới mức tăng trưởng trung bình 6%). Mức tăng trưởng này nếu có trên thực tế vẫn phản ánh một khía cạnh tiêu cực khác: Năng lực phát triển không đủ nguồn lực ở các lĩnh vực có suất đầu tư cao phải chuyển sang lĩnh vực đầu tư có suất đầu tư thấp kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Không cho thấy có tác động từ chính sách dù Chính phủ đã phát đi rất nhiều thông điệp và kế hoạch lớn cho lĩnh vực nông nghiệp.


Nguyên nhân thực sự các bế tắc từ đâu?
Về khía cạnh chính trị, thiết nghĩ không cần phải bàn cãi thêm. Chỉ xét riêng về ĩnh vực kinh tế thì qui luật và nguyên tắc bất di bất dịch là “đầu tư phải có vốn, phát triển phải có định hướng mục tiêu”.
Sau những phản ứng và chính sách “lạ” của Ngân hàng nhà nước qua việc đóng cửa sàn vàng trước đây và việc cắt giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ cả của tổ chức lẫn cá nhân về 0% vô hình chung đẩy luồng ngoại hối từ tiền mặt chuyển sang hàng hoá, khiến nguồn thu hút ngoại tệ giảm đáng kể, thêm khó khăn cho Chính phủ khi đối mặt với bài toán trả nợ vay nước ngoài thì việc chỉ đạo ngầm các ngân hàng thương mại “không cho vay bất động sản” là nút thắt khiến hầu hết các lĩnh vực đầu tư bị trói chặt chứ không phải chỉ riêng kinh doanh bất động sản. Nghịch lý từ chính sách này là dù “không cho vay đầu tư vào bất động sản nhưng lại buộc các dự án đầu tư phải có tài sản thế chấp”(!?). Thực tế chính sách này biến các ngân hàng thương mại thực sự chỉ còn là tổ chức dịch vụ cầm đồ 100% - do yếu tố khả thi và giá trị tài sản hình thành sau đầu tư của dự án bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong điều kiện giải ngân. Trong khi các lĩnh vực kinh tế mạnh thì gần như 100% liên quan đầu tư bất động sản, các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.. thì hầu hết bị cho à không đủ điều kiện thế chấp đảm bảo vốn vay. Chỉ riêng chính sách này đủ khiến mọi quyết sách phát triển kinh tế của “Chính phủ kiến tạo” phá sản là điều dễ hiểu. Đáp án trả lời cho dấu hỏi: “Chính phủ có thực sự dành các khoản vốn đầu tư cho nông nghiệp nói riêng và đầu tư phát triển như những gì đã công bố hay không?” đã quá rõ.
Thiếu nguồn lực tài chính? Thiếu đồng bộ “do cơ chế”? Thiếu hoạch định rõ ràng ?...??? Tất cả đều có thể có và đều có thể không (!) Đơn giản là dù có hay không nó đều chỉ ra một kết luận: Không thể làm gì khác được.
Vụ Mỹ Đức chính thức mở màn cho viễn cảnh đen tối về những hậu quả chính trị và cả những bế tắc không dễ tìm ra lối thoát cho bộ máy chính quyền và cho cả xã hội Việt Nam, báo hiệu sự xuất hiện yếu tố áp lực bắt buộc phải lựa chọn mà cả Đảng CSVN và Chính phủ đương nhiệm phải tính đến dù không hề mong muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét